Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Chùa Lương, Đền Thuỷ tổ

Chùa Lương
Chùa Lương, tên tự là chùa Phúc Lâm (còn gọi là Chùa Trăm gian): Chùa được xây dựng sớm nhất Quần Anh, vào khoảng cuối thế kỷ XV (1485- 1500). Chùa làm ở ngay bắc chợ Lương nên người ta cũng gọi là chùa Lương. Khi mới làm, chùa được lợp cỏ, sau lợp ngói .
Năm 1589, tạo đôi bình Bát Tràng; năm1682, tạo rồng đá cầu ao; năm 1684, làm mới tả hữu hành lang, hậu phòng; năm 1725, làm lại toà hương án tiền; năm 1726, dựng cây thiên đài thạch trụ; từ năm 1746- 1748 (3 năm), làm lại thượng điện, tiền đường, tượng Phật, tam quan, hoành long, hậu phòng; năm 1750, đúc thanh la đồng và trống đồng; năm 1763, đúc tượng Phật Tam thế (năm 1796, Cảnh Thịnh thứ 4, tượng đồng và đồ đồng trong chùa bị triều đình thu để đúc vũ khí); năm 1797, đúc tượng Phật Thích ca; năm 1826, đúc chuông lớn (nay treo ở gác chuông); năm 1834, sửa lại tiền đường, hậu đường, nhà tổ, tả hữu hành lang, tam quan; năm 1883, đào hồ trước chùa; năm 1836, làm lại gác chuông cao 3 tầng; năm 1997, đại tu hành lang tây; năm 1998, xây tượng đài giữa hồ và xây bờ hồ, năm 2005, đại tu hành lang tây; năm 2006, xây lại nhà tổ.

Qua nhiều lần xây dựng và trùng tu chùa Lương ngày càng rộng lớn, có quy mô hoàn hảo với 100 gian, gồm Tiền đường, Thượng điện, Hậu điện, 2 hành lang Đông Tây, nhà tổ, 2 dẫy hậu phòng, nhà khách, gác chuông, tam quan, trước chùa có hồ bán nguyệt… Hiện nay, Chùa vẫn giữ được kiến trúc cổ truyền thống của thế kỷ XVII- XVIII.
Từ xưa, chùa Lương đã là một cảnh quan kỳ thú có một không hai của đất Nam Định. Hàng năm, cứ vào tháng 3, dân làng mở hội, gọi là “vào đám cầu phúc” (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà). Ngày nay, lễ hội được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng ba (âm lịch).
Ngày 26/3/1990, chùa Lương được nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá. Nhà nước dành kinh phí trùng tu, bảo dưỡng để giữ gìn di tích. Chùa đã trở thành một điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Đền Thuỷ Tổ Quần Anh:
Cách đây 5 thế kỷ – Thuỷ tổ Trần Vu làm nghề chài lưới ven biển, quan sát thấy bãi biển phía Nam – huyện Nam Chân – Một vùng đất đẹp nổi cồn.
“Chốn hải tần cách nước mây
Cá bơi, hạc đứng, nơi này mở mang”
Thế đất có hình dáng “Long”. Cồn rồng vươn lên phương Bắc, lưng lượn chín khúc (sông cửu khúc), thổ nhưỡng phì nhiêu, long mạch (sông nước) thuận tiện, vượng khí (thiên nhiên) thoáng đãng. Thuỷ tổ nghĩ ngay nơi đây là nơi đất lành (linh) về quê làng Tương Đông cùng Tổ Vũ Chi Nguyên – đỗ tiến sỹ hàm quan Chánh án phủ sứ Ái Châu (Thanh Hoá), sau được Tổ Hoàng Gia, Phạm Cập xuống hiệp lực.
Đền thờ Tứ tổ Trần Vu- Vũ Chi- Hoàng Gia- Phạm Cập
Sau quy tụ thêm 9 dòng họ: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Đỗ, Phan, Đoàn và Trần, Vũ khác.
“Tứ tổ khai cơ, lập cồn ấp
Chín họ bao đê dựng xóm làng”.
Năm 1511 đổi thành Quần Anh Xã (nơi quy tụ các anh tài). Cuộc sống ngày thêm phồn thịnh, phong tục, tập quán làng quê được thiết lập: “Nội thập giáp, Ngoại tứ thôn”. Mỗi giáp có một cầu, một đình, một dong. Còn dòng Trung Giang giữa làng được chia 10 giáp từ Giáp Nhất đến Giáp Thập. Cầu Giáp Thập, nơi trung tâm giao lưu có mối liên quan chặt chẽ với chợ, đình, chùa được làm to, đẹp, chắc chắn: dưới cầu, trên lợp ngói.
Năm 1615, biển lùi xa người về tụ hội thêm đông. Nhiều thôn rộng lớn được tách lập, cho đến năm 1804 Quần Anh phân thành 3 xã (Quần Anh Thượng, Quần Anh Trung, Quần Anh Hạ).
Năm 1829, thành lập nhiều tổng. Năm 1888, từ các tổng xây dựng nên huyện Hải Hậu.
Thuỷ tổ Quần Anh ngoài việc khai hoang lấn biển, mở mang điền địa, còn quan tâm tới nhiều mặt đời sống: mời thầy dạy chữ, dạy nghề, bắc cầu, mở chợ, xây đình, chùa, đền. Làm cho vùng quê ven biển có cuộc sống yên vui, nền nếp.
Năm 1862, 1867 Vua Tự Đức ban tặng Quần Anh: “Mỹ tục khả phong” và “Thiện tục khả phong” (nơi có nhiều phong tục tốt đẹp).
Để ghi nhớ công ơn tiên tổ tại đình Phong Lạc, nhân dân lập Đền thờ “Thuỷ Tổ Quần Anh” để thờ Tứ tổ và các Liệt tổ khai sáng. Đền làm theo kiểu chữ Đinh, được xây dựng từ năm Đinh Mão (1924). Bài trí, thờ tự ở đây có sự phân định công trạng, trước sau rõ ràng: Ngoài “Tứ tổ khai sáng” còn thờ “Thành trung liệt tổ” tiếp đến “Kế chí liệt tổ”, công nghệ, nghiệp sư.
Ngày 26/3/1990 đền Thủy tổ cùng với chùa Lương được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá.

ĐỊA CHỈ :
Hải Anh – Hải Hậu – Nam Định

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

--------------------------------------------------------------------
Chào bạn!
Cám ơn bạn đã dành thời gian quý báu ghé thăm Blog của hội cựu HS bọn mình!

Rất vui khi bạn để lại đôi dòng cảm nhận và đánh giá.
Chúc bạn luôn vui khỏe, hạnh phúc & thành đạt!

BLL hội cựu học sinh cấp 3b Hải Hậu
--------------------------------------------------------------------

* Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL. Với Tên/URL bạn chỉ cần viết tên mình trong ô [Tên:] và bỏ trống ô [URL:]
-> xong nhấn vào [Tiếp tục] -> nhấn [Đăng nhận xét] là OK.