Đúng chiều 30/4/1975, thầy và trò lớp 7 chúng tôi đi chơi tại bãi biển Hải Thịnh. Chiều về đến trung tâm xã nghe tin giải phóng miền Nam, chúng tôi vỡ òa trong sung sướng! Sau đó chúng tôi tốt nghiệp lớp 7. Vậy là hết cấp 2, chuẩn bị vào cấp 3. Qua một mùa hè khó nhọc, cánh chúng tôi con nhà nông dân tuy còn ít tuổi cũng phải ra đồng làm việc như một lao động chính. Thời đó, lúc đó, thanh niên trong làng đều đi bộ đội hết, chỉ còn lũ chúng tôi cỡ 14-16 tuổi cùng phụ nữ đảm nhận công việc nặng nhọc của đồng áng. Nông dân vất vả là thế. Bây giờ, thấy bọn trẻ sướng quá trời.
Đầu tháng chín, chúng tôi vào học lớp 8 Trường cấp 3B tại Hải Phú (Hải Hậu , Nam Hà). Chúng tôi học hệ phổ thông 10 năm, lúc bấy giờ huyện Hải Hậu chỉ có hai trường cấp 3, trường cấp 3A và B. Ôi con đường đau khổ!?!. Từ Hải Thịnh chúng tôi đi bộ vào Hải Phú, chiều chủ nhật cả bọn đi bộ hàng dài xuyên qua xã Hải Châu, Hải Ninh rồi đến Hải Phú. Cỡ chừng chục cây số. Có một vài bạn xin tạm gọi là con nhà giàu được cha mẹ sắm cho chiếc xe đạp đi học là oách lắm! Các bạn này thường đi vòng qua xã Hải Hòa, Hải Cường rồi đến Hải Phú, vì đường xa hơn nhưng đường rải đá dễ đi hơn. Còn chúng tôi theo đường Hải Châu, ôi sao lầy lội!. Chiều tối thứ 7, chúng tôi cả đoàn lại kéo nhau đi bộ về nhà. Ngày đó, lớp 8 chúng tôi phải học buổi chiều. Cái cảnh tay xách, lách mang vô cùng là hài hước và cảm động. Chiều chủ nhật, khoảng 2-3 giờ chiều là chúng tôi đi bộ vào trường. Trên người mỗi đứa, nào là gạo đựng trong ruột tượng của mấy chú bộ đội cho, dầu hỏa để đun nấu, rau củ quả, mắm muối, kính thưa các loại…. Đau khổ nhất là những ngày trời mưa to. Chúng tôi phải mang áo mưa, tay xách dép. Đường quá trơn nên không thể đi dép được. Đứa nào khấm khá thì đi dép Tiền phong quai nhựa, còn đứa nào gia cảnh xui xẻo thì phải đi dép cao su. Bây giờ, đi dép cao su là dân sành điệu đấy!. Hồi đó, ai đi dép cao su thì trong túi quần phải thủ sẵn chiếc kẹp để xỏ dép vì quai cao su thường xuyên bị tuột ra. Trời mà mưa thì ôi thôi, đất thịt thấm nước cứ nhão ra, trơn tườn tượt (tiếng Hải Hậu). Chiếc dép râu cao su quai đi đằng quai, đế đi đằng đế(!). Bắt buộc mọi người phải xách dép, đi chân không nhưng phải bấm ngón chân thật chặt vào đất để khỏi bị té ngửa; uỵch….uỵch!!, ngoảnh đầu quay lại thấy một bạn lấm lem là biết rồi. Cái chuyện bị ngã là phình phường như cơm bữa ở Hải Châu, Hải Phú. Có hôm gặp phải cơn giông hoặc bão lớn thì cứ việc dang hai tay căng áo mưa ra là gió cứ đẩy người đi, thật sướng nhé! Giữa hai xã Hải Châu và Hải Thịnh có một con sông, do vậy tụi mình phải đi qua một con đò, đi qua một bãi tha ma (nghĩa địa), ngày thứ 7 nào mà bị cô giáo phạt cho về muộn thì ôi thôi rất là sợ ma ở nghĩa địa vì trời tối đen như mực ấy. Ngày đó có ma thật đấy, còn bây giờ lớn rồi, đi tìm ma, chẳng thấy đâu?
Chưa bắt đầu vào học chính thức, mỗi học sinh phải đóng góp một cây tre, một bó rạ để góp phần xây dựng lớp học. Năm 1975, những lớp học tạm bợ, hoang tàn có khi tường nhà được đắp bằng đất sét. Đa số học sinh chúng tôi phải ở trọ xung quanh nhà trường, đứa thì ở nhà người bà con, đứa thì rủ rê nhau nhờ những chỗ quen biết qua người khác giới thiệu. Dân Hải Phú tốt thật, rất ít nhà họ lấy tiền trọ, đa số là phi!. Cánh chúng tôi thường nấu ăn riêng để khỏi ảnh hưởng đến gia đình người cho ở nhờ, đủng đỉnh cái bếp dầu, vài ba cái xoong nhỏ thế là xong bữa cơm. Thức ăn thì cực kỳ đơn giản, rau cỏ mắm muối là chính. Thịt, cá gọi là xa xỉ! Ăn cơm dạo ấy thấy đói lắm không đủ no, bởi chúng tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ mà. Chiếc đèn dầu tù mù, chúng tôi hay gọi là đèn Hoa kỳ đeo đẳng cùng chúng tôi suốt ba năm học. Buổi tối cặm cụi ngồi học dưới ánh đèn Hoa kỳ vừa tờ mờ vừa nóng bức, mà sao nó buồn ngủ dữ dội. Mới vào lớp học, bọn con trai ngồi riêng, cánh con gái ngồi riêng. Nhìn chung, thủa ban đầu và cả hết thời gian học lớp 8, chúng tôi nhìn cánh con gái không mấy thiện cảm cho lắm chứ đừng nói gì đến việc trò chuyện cùng nhau. Ấy thế mà thỉnh thoảng có vài bạn nữ đẹp cũng thích nhìn lắm, nhìn thôi mà chẳng dám nói một câu gì.
Ngày ấy, các thầy cô giáo dạy chúng tôi như thầy Cẩn hiệu trưởng sau đó là thầy Đạt hiệu trưởng, rồi thầy Chinh, thầy Sáng, thầy Lượng, thầy Phương, thầy Xuân, thầy Lự, thầy Quỳnh, cô Ngọc, cô Băng, cô Mận, cô Huệ, cô Thanh, cô Yên … Ôi nhớ lắm, các thầy cô sao mà dữ thế, sao mà nghiêm thế! Bọn chúng tôi rất ít đứa dám nói chuyện với thầy cô ngoài giờ học. Lúc đó cứ nghĩ thầy cô là bậc bề trên khó gần lắm. Có lẽ do ý nghĩ của chúng tôi là vậy, thật oan cho các thầy cô quá!.
Cuối lớp 8, lên lớp 9, chúng tôi đa số được hiện đại hóa, được lên đời là cha mẹ sắm cho mỗi đứa một chiếc xe đạp tàng tàng để đi học. Năm học lớp 9, lớp tôi được chuyển lên học ở nhà xây, lợp ngói. Đúng là đổi đời!. Nói ra các bạn đừng cười, hồi đó ở quê tôi anh N, anh K, anh T và ít anh khác thuộc hàng dân hiểu biết mà chúng tôi gọi là dân chơi. Chúng tôi nhìn các anh ấy như người ngoại quốc, bởi vì các anh ấy thuộc dân sành điệu, đi xe đạp đẹp, biết tán gái, biết ăn nói, biết mặc đẹp… Ôi sao mà mơ được như các anh ấy! Quần ống tuýp (bó sát chân) được thịnh hành một thời gian do những dân sành điệu thể hiện. Trong số học sinh của trường tôi cũng có vài người mặc, tôi nhớ là chỉ có một vài anh chị ở thị trấn Cồn ăn diện. Sau đó, thì quần ống loe ra đời. Nó cũng thế, phải là dân chơi mới dám dùng và có khả năng tài chính để được dùng!? Có lúc, lại xuất hiện một thứ mũ đội giống như con chào mào, đại thể giống cái mũ trên áo đi mưa, có hai mảnh ghép lại, trên đỉnh thì nhọn giống như dân Ả rập đội bây giờ, chỉ buổi tối hay ban đêm dân sành điệu mới đội.
Bước vào đầu năm học lớp 10, năm cuối cấp, tâm trạng chúng tôi có hơi khác, lên đời hơn. Phần vì mình là người lớn, đàn anh đàn chị của số học sinh trong trường, phần vì là năm cuối chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa vào các trường đại học, cao đẳng, trung học. Thời gian này chúng tôi dạn dĩ hơn, gần gũi thầy cô giáo hơn, và đặc biệt gần các bạn nữ hơn. Đầu năm học thầy chủ nhiệm của lớp tôi đã nhắc nhở: các anh chị học năm cuối phải cố gắng, không được sao nhãng việc học hành và đặc biệt không được thể hiện tình cảm nam nữ mà tất cả phải học và học để thi tốt nghiệp đạt kết quả và quan trọng là thi đậu vào đại học! Ở lớp chúng tôi trong năm học này hầu như không có bạn nào viết lưu bút cho nhau, chúng tôi nghe lời thầy chủ nhiệm chăm chỉ học hành nên ngày đó có nhiều bạn học khá …Trong suốt 3 năm học tại Hải Phú, thỉnh thoảng chúng tôi được xem phim (chiếu bóng) tại UBND xã nhờ đoàn chiếu bóng lưu động. Có lần, chúng tôi vô tình được đóng vai diễn viên quần chúng tại UBND xã Hải Phú. Ngày đó, Hãng phim truyện Việt Nam có quay một bộ phim, chúng tôi đi xem. Các chú trong đoàn làm phim yêu cầu chúng tôi đứng xung quanh càng đông càng tốt và vô tình trở thành diễn viên quần chúng. Ban ngày, cánh chúng tôi cứ đi theo và mải mê ngắm nhìn các ngôi sao bấy giờ chủ yếu là chị Trà Giang và chị Như Quỳnh. Họ đẹp lắm, ăn mặc mốt và lịch sự nữa… cứ như thiên thần vậy! Thỉnh thoảng, chúng tôi có đi chợ Thượng Trại của Hải Phú. Nó giống như một chợ quê, nhưng oách hơn nhiều chợ của các xã vùng quê khác. Bởi người ta gọi là phố Thượng Trại. Đi chợ, nhưng chúng tôi chẳng mua sắm gì. Xem là chính, vì có tiền đâu mà mua bán. Chợ Thượng Trại lúc đó cũng có hạng của huyện Hải Hậu sau chợ Đông Biên, chợ Cồn…
Bây giờ, giữa chốn thị thành, thỉnh thoảng tôi về thăm quê, về nhìn ngắm lại trường cũ mà lòng cảm thấy bâng khuâng rạo rực nhớ lại các thầy cô giáo cũ không biết ai còn ai mất sau những năm tháng đã đi qua. Các bạn học cũ bây giờ mỗi đứa một phương trời, có khi gặp mặt không nhận ra nhau. Cái con đường ngày xưa ấy bây giờ được trải nhựa nhưng nó cũng chẳng rộng hơn là mấy vì con đường ở Hải Châu, Hải Phú hai bên là sông thì mở rộng sao được, chỉ có điều bây giờ nó dễ đi hơn. Đường ở Hải Thịnh bây giờ là thị trấn thì có khác nhiều, rộng hơn, đẹp hơn. Trường C3B bây giờ được xây dựng khang trang bề thế không còn thấy dáng dấp của ngôi trường nhà lá năm xưa, sân trường có hàng cây bàng tỏa bóng mát và cổng trường vẫn là cây gạo già năm xưa còn trụ lại. Có hôm, đứng ở cổng trường thấy mấy thầy cô giáo trẻ đi ngang qua gặng hỏi: Bác tìm ai đấy ạ? Nghe mà lòng tôi như quặn lại, thầy cô giáo cũ của tôi ngày nào chắc không còn ai đang dạy ở trường này nữa rồi. Năm tháng đi qua quá nhanh, mà không phải, mình bây giờ đã già thật rồi!
Hà nội, 5/2012 – Hồng Huy
Đọc bài này thấy cảm động quá anh Huy ơi!
Trả lờiXóa@ Hồng Huy: cám ơn bạn đã ghé thăm và chia sẻ!
Trả lờiXóaĐọc những lời tâm sự của bạn, hình ảnh ngày xưa ấy cứ dần hiện rõ trong tôi như một thước phim quay chậm...
Mới đây thôi mà đã hơn 30 năm rồi nhỉ !?
Ừ! Chúng mình già thật rồi.
----------
Đọc mấy dòng trong bài viết của bạn...tự nhiên thấy..nhồn nhột!?
À! Mà chưa nhớ ra Hồng Huy??? Bật mí nhé bạn.
Một lần nữa cám ơn Hồng Huy về bài viết rất hay của bạn!
Thân!
Đoạn tản văn của Hồng Huy thật xúc động. Anh em chúng mình hồi đó đa số có hoàn cảnh giống nhau, bởi vậy sau này trưởng thành lớn khôn khi nhớ về dĩ vãng không khỏi những phút giây chạnh lòng nhưng trên hết vẫn là những ký ức tuổi thơ thật đẹp. Lần nào về thăm quê mình cũng ghé thăm trường cấp 3b Hải Hậu, chỉ là bâng khuâng bên cây gạo già... rồi lại lặng lẽ đi.
Trả lờiXóaĐọc bài của Hồng Huy xong đầu óc cứ quanh quẩn chuyện hồi xưa khi còn đi học. Nhớ hồi học cấp 3 mình cùng trọ với Kiên nhà dưới Tân Anh, nhà trọ ngay sau trường cách chừng vài trăm mét...
Trả lờiXóaNghĩ lại mà sao hồi đó ăn khỏe thế không biết, 2 thằng mà mỗi bữa nấu có...2 bò rưỡi gạo + với nồi canh đại dương tổ trảng thêm chút Mì Chính mà 2 vị xơi béng. Giờ đây...mỗi bữa cũng 2 người...nấu miệng bò gạo...nhiều khi còn để lại nguyên mảng cháy dưới đáy nồi. Lạ! Mình già thật rồi sao!?
Thôi tiếp cái chuyện ăn học thời đi trọ
Được vài ngày từ thứ 2 tới thứ 3 thứ 4 là cùng lắm, thì thức ăn còn tươi tươi và chất chất chút, chứ từ nửa tuần trở đi thì...thức ăn mặn được đổ thêm nước vào và cộng vốc muối nữa rồi đun sôi ùng ục...cho nó ra nước ngòn ngọt...mà ta quen gọi là nước rang, để chan cơm ăn...cho đủ tuần...
Tâm trạng lúc này luôn hướng về...QUÊ HƯƠNG
Lòng cứ mong sao cho nhanh tới ngày thứ 7 được về nhà càng sớm càng tốt, để được đánh vài bữa tươi bồi bổ sức khỏe lấy lại "phong độ" và chờ các cụ cấp lương cho tuần kế tiếp.
Nghĩ lại chuyện đi trọ học ngày xưa thấy khổ nhưng mà vui.
Kỷ niệm của một thời!
Chuyện xưa nay chỉ còn trong ký ức!
Cảnh đi học xa phải ở trọ cực khổ quá các anh nhỉ? Ngày ấy bà con nông dân mình quá cơ cực.Thời chúng em đi học cũng cảnh nhà nghèo nhưng còn đỡ cực hơn thời các anh...Em không phải đi học xa và ở trọ như các anh cho nên em cũng không thể thấu hiểu hết được những khó khăn và sự vất vả cực nhọc lúc bấy giờ.
Trả lờiXóaNăm học lớp 3 em được tập trung học ở trường năng khiếu của huyện tại xã Hải Hùng.Vì không học hết cả tuần cho nên em không phải ở trọ.Hàng ngày đi về (6 Km ), thỉnh thoảng được người nhà chở xe đạp còn lại là đi bộ.Nhiều khi không kịp ăn,mẹ cho mấy đồng mua bánh mỳ vừa đi bộ vừa ăn. Hành trình chỉ có một minh nhưng không thấy sợ (vì trường chỉ có em và một bạn nam nữa đi học ở trường năng khiếu mà ngày đó con trai và con gái không dám đi cùng nhau -xấu hổ mà ).Một thời gian đi chán quá nên lại về trường làng để không phải đi xa.
Sau này lên lớp 6 căn cứ vào kết quả thi học sinh giỏi của huyện, em lại được phải xuống trường năng khiếu học vẫn ở Hải Hùng.Lúc này đã biết tự đi xe đạp cho nên sáng đi tối về. Cũng có nhiều bạn ở trọ nhưng em không trọ vì muốn đi về tối còn giúp được bố mẹ nhiều việc. Con nhà nông mà,nhiều việc vặt lắm nhất là em lại là con gái cả.Nhưng đi học xa như thế nên em cũng không giúp được bố mẹ việc đồng ruộng ( đánh kỳ, làm cỏ...) cho nên em lại trở về trường của xã để có thời gian giúp mẹ nhiều hơn...Thầy hiệu trưởng lên tận nhà động viên nhưng em cũng không nghe.
Rồi đến cấp 3 thì em học tại cấp 3A Hải Hậu(1982-1985) cách nhà hơn 1km cho nên cũng không phải ở trọ,phần lớn là đi bộ cho đến năm cuối cấp phải học nhiều nên mới đi xe đạp hàng ngày.
Vì vậy em cũng muốn nói là dù cuộc sống của thời chúng em tuy cũng vất vả thiếu thốn trong cảnh làng quê nghèo nhưng không thấm vào đâu so với những ngày tháng trọ học của các anh đúng không ạ.
Đường xóm làng xã em tuy cũng lầy lội mỗi khi trờ mưa nhưng chúng em cũng không phải cơ cực vượt đường trơn đi học xa như các anh.Dẫu sao mấy xã xung quanh huyện đường làng cũng đỡ hơn mấy xã vùng ven biển.Chúng em chỉ được nghe thế thôi chứ không được chứng kiến cảnh đi học đường xa của thế hệ các anh...
Giờ đây Hải Hậu quê mình đâu đâu cũng đổi mới.Đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng được đổ bê tông sạch sẽ.Chắc không còn cảnh đường trơn lầy bùn nữa đâu các anh nhỉ.
Và giờ đây anh em mình dù thế hệ trước hay thế hệ sau cũng đều đã trưởng thành, đi đâu cũng có quyền tự hào về quê hương Hải Hậu anh hùng...
Để rồi chúng ta luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ ông cha mình đã phải trải qua bao nỗi nhọc nhằn vất vả nắng mưa để nuôi dạy chúng ta có được ngày hôm nay...
Cảm ơn các anh, những người đã tạo nên ngôi nhà chung này để những con Người xa quê, đồng cảm cùng nhau tâm sự những lúc buồn vui nhó về quê hương...
Hoa 12H, cảm ơn đã chia sẻ với tụi này. Cảm ơn anh Hồng Huy về bài viết rất thực đó. Hôm tết âm lịch, mình có về quê và đi qua con đường Hải Châu vào Hải Phú thăm trường theo lời đề nghị của anh Nhượng để chụp một số tấm ảnh trường cấp 3B nay là trường THPT B Hải Hậu. Đường bây giờ dễ đi, trải nhựa, tuy nhiên qua xã Hải Châu vào Hải Phú vẫn nhỏ lắm. Ghé vào thăm một người bạn nhà ở phía sau trường, vì tránh con chó xe ô tô suýt đâm xuống mương, đường hẻm mà. Hồi đi học cấp 3 mình hay đi qua xã Hải Hòa, Hải Cường (đi qua nhà anh Nhân ấy). Cái cảnh anh Hồng Huy tả đúng thật! Đọc mấy lần nghĩ đúng là ngày ấy, hồi ấy... rồi bây giờ nó khác xa lắm. Ngày đó đất nước còn nghèo, dân còn khổ chúng mình khổ theo thôi. Cám ơn Hoa lần nữa vì thường xuyên ghé thăm. Ra Hà Nội mấy lần nhưng thất hứa với Hoa quá.
Trả lờiXóa