Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Đôi lời...

Trong lúc lang thang trên net tìm chút thông tin và hình ảnh về Hải Hậu quê mình, để mang về trang hoàng cho ngôi nhà nhỏ của hội. Thật may mắn là mình đã gặp được blog của hội học sinh quê mình (http://12b1991.blogspot.com/), tuy ở thế hệ sau bọn mình hơn chục năm, thấy căn nhà của các bạn ấy rất đẹp, tiện ích và bài vở thì vô cùng phong phú và đa dạng. Chưa có thời gian để xem hết tất cả hình ảnh và bài viết của các bạn ấy, mình chỉ xin phép tác giả Đỗ Ngọc Nam copy bài viết "Tản mạn sông quê" mang về căn nhà của bọn mình trưng bày cho thêm phần hoành tráng tí.

Thú thực là ngôi nhà của hội chúng mình còn nghèo nàn quá...

Mong các bạn bớt chút thời gian quý báu để chăm chút cho ngôi nhà của hội ngày thêm phần đẹp đẽ và phong phú hơn.

Đức Nhượng

----------------------------

Tản mạn sông quê

Đỗ Ngọc Nam

Sông Hồng
Nước là khởi nguồn của sự sống, bởi thế cho nên từ các nền văn minh lớn của nhân loại đến văn hóa làng xã ở Việt Nam đều gắn liền với những con sông lớn nhỏ. Hải Hậu là một vùng đất thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi một số học giả đang muốn nâng tầm lên thành một nền văn minh của nhân loại - nền văn minh lúa nước.

Hải Hậu có một con sông lớn chảy giữa huyện, theo người xưa kể lại thì đây là con sông được đào bằng sức người. Cách nay gần hai thế kỷ, cụ quan Hồng Lô - Đỗ Tông Phát được vua Nhà Nguyễn giao khai hoang lấn biển mở rộng vùng đất Hải Hậu, cụ đã lãnh đạo nhân dân "chân lội sình, đầu đội, tay bê" đào sông quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn và lập nên cả một nửa phía nam huyện Hải Hậu ngày nay.

Con sông lớn chảy giữa huyện Hải Hậu ngày nay không biết tên gọi chính thức là gì, có người gọi là sông Múc, sông Mới, có người gọi là sông Hải Hậu,... Người dân Hải Bắc thì quen gọi là sông Cái, vì từ nó đẻ ra vô vàn các sông con tỏa vào các làng xã và dẫn nước tưới tiêu cho các cánh đồng lúa.

Ở Hải Hậu thì làng nào cũng có một con sông nhỏ chảy giữa làng, nó là nguồn sống cả về ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần của cái làng đó. Sông không chỉ là nguồn nước tưới tiêu cho đồng lúa, phục vụ sinh hoạt đời sống người dân quê mà còn là một mạng lưới giao thông đặc biệt quan trọng thời xưa, khi giao thông bộ chưa phát triển như bây giờ. Hải Hậu xưa có một chiếc tàu khách chạy dọc sông cái, từ chợ Trung (Hải Trung) đến chợ Cồn, thi thoảng lại cập vào một bến ven sông đón trả khách như xe buýt.
Sông Cái
Nói đến chợ thì tất cả các chợ của Hải Hậu đều nằm bên cạnh các con sông. Chợ Đông Biên xưa cũng nằm tại một ngã ba sông, mỗi ngày phiên chợ là thuyền bè vào ra nhộn nhịp, cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền rất tấp nập. Người xưa nói "nhất cận thị, nhị cận giang", nghĩa là thứ nhất mắt bị cận thị, à không phải, thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông là những nơi có cuộc sống thuận lợi nhất. Bởi thế những người khi xưa vừa được cận thị vừa được cận giang giờ toàn sống khỏe, sống trên cao cả (!).

Nước sông xưa sạch lắm, người ta không chỉ tắm, giặt, rửa bát, rửa chân mà còn gánh nước sông về để làm nước ăn. Bây giờ nhìn nước sông thật sự đáng ngại, thò chân xuống còn sợ chứ không ai có thể nghĩ đến tắm. Thế mới thấy chúng ta đã tự hủy hoại môi trường sống tàn bạo đến mức nào.

Tắm sông

Xưa mùa hè tắm sông là một hoạt động có tính chất thường nhật, giống như ăn và ngủ vậy. Ở Hải Bắc thì chỉ xóm 4 mới được tắm sông cái, các xóm khác tắm sông con nên không được vui lắm.

Giờ tắm cao điểm là tầm 5 giờ chiều, lúc người lớn xong việc và trẻ con cũng tan trường về. Ngoài ra bọn trẻ con còn trốn ngủ tắm lúc giữa trưa hoặc tắm đêm trong những hôm trăng sáng.

Trẻ con tắm sông toàn tắm truồng, hơn 10 tuổi vẫn tắm truồng bình thường. Ban đêm thì cả người lớn cũng gia nhập hội tắm truồng cùng với trẻ con. Chim ngô, chim nếp sánh vai chim chích, chim sâu cùng nhau khoe sắc rộn ràng cả một khúc sông quê.

Do cả mùa hè mặc độc một cái quần đùi nên thằng nào thằng nấy người đen sì, chỉ mỗi đoạn giữa là trắng. Khi cởi truồng trông xa như tất cả đều mặc quần đùi trắng (phía trước nhìn thấp thoáng như vá miếng vải đen).

Tắm sông luôn đi kèm với các trò chơi dưới nước rất đa dạng và hấp dẫn. Lặn thi, bơi thi, "đánh chén chỉ", đi "tàu ngầm",... Nhưng vui nhất phải nói đến trò "chiếm đảo" (hình như chỉ bọn trẻ xóm 4 Hải Bắc mới có trò này).
Cầu Hải Bắc và "đảo" ở trụ cầu.
Cầu Hải Bắc có 2 trụ, phía sát mép nước của mỗi trụ cầu người ta làm bầu ra tạo thành một hòn đảo rộng cỡ một chiếc chiếu to, buổi trưa hè có người còn bơi ra đó "đánh" một giấc trưa ngon lành. Khi tắm sông bọn trẻ con thường lấy đây làm chiến trường cho trò chơi "chiếm đảo". Luật chơi đơn giản là chia thành 2 phe tranh nhau cái đảo đó, quân phe nọ đẩy quân phe kia xuống nước để chiếm đảo, phe nào giữ được đảo lâu là thắng. Cả một lũ tần tuồng lao vào xô đẩy nhau thở phì phò như đàn lợn con.

Trò này chơi ban đêm thì quyết liệt gấp bội. Nước phù xa lạnh buốt đến tận óc, tối đen thui, thằng nào bị đẩy xuống nước là như rơi xuống địa ngục. Vừa lạnh, vừa sợ ma, vừa cay cú ăn thua nên bị đẩy xuống nước là lại lao ngay lên quyết chiến. Tất nhiên rồi cuối cùng vẫn có thắng thua, có đội thua cay cú quá lên bờ ôm luôn quần áo của đội thắng chạy, thế là đội thắng lại tần tuồng đi về. Dường như mọi cuộc chiến lớn nhỏ thắng thua chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Mất quần

Mất quần là một vấn đề rất nan giải của bọn trẻ con tắm sông, nó là tai nạn có tính thường xuyên, cơm bữa. Tất nhiên không phải là mất cái quần vật chất, bởi có ai đó lấy hoặc giấu đi thì kiểu gì hôm sau cái quần cũng sẽ được quay về với khổ chủ. Mất quần ở đây là mất quyền mặc quần, một trong những quyền cơ bản của con người.
Sông xóm 4 - Hải Bắc
Nguyên nhân mất quần thì rất nhiều, có thể do người lớn trêu, có thể do bọn khác phá đám, hoặc cũng có thể do một thằng trong bọn bỏ cuộc chơi rồi quay ra khủng bố bọn ở lại.

Thế cho nên trước khi tắm sông, cả hội phải cử ra một thằng bé nhất (chưa biết bơi) ngồi coi quần áo, hoặc là phải giấu thật kỹ trên cành cây hay những nơi bí mật trên bờ sông.

Giải pháp khi chẳng may không có quần mặc là bơi vào sông con, đến đoạn ngang nhà mình hái vội cái lá khoai rồi băng qua đường... Vì thế nên đang đi trên đường mà thấy một bạn tự dưng lóp ngóp một mình ở dưới sông con thì có nghĩa là hoàn cảnh đang éo le lắm lắm.

Sau này lớn hơn một chút thì không tắm truồng nữa nên cũng hết nỗi lo mất quần, lúc này chim tạm rút vào hoạt động bí mật.

Bơi sông

Người quê có lẽ ai cũng biết bơi, chỉ trừ những người sợ nước hoặc khi nhỏ bị bố mẹ nhốt trong tủ kính. Xưa ở quê tập bơi đơn giản lắm, giờ lên phố nhìn huấn luyện viên tay nâng ngực tay đỡ phao câu sao thấy nhiêu khê quá, thế mà mãi vẫn không bơi được. Tập bơi ở quê toàn tự mình là chính, trước là tập ở ao, mang một cái chậu xuống bám làm phao rồi 2 chân đập loạn xạ, kiểu này gọi là bơi chó (giống chó ngã xuống ao). Sau đó bước hai là ôm cây chuối ra sông con, và bước ba mới dám tiến ra sông cái. Bạn nào chậm tiến quá thì bắt chuồn chuồn cho cắn rốn như một liệu pháp đô ping.

Khi đã biết bơi rồi, nghĩa là không cần công cụ hỗ trợ nữa (chậu, cây chuối) thì bắt đầu tập bơi xa, bơi nhanh, bơi lâu. Trước là bơi ven bờ, sau đó bơi ra giữa sông cái rồi quay lại, cuối cùng là bơi qua sông cái. Đây được coi là cái mốc quan trọng ghi dấu sự trưởng thành của một trai quê đích thực.

Nói về vượt sông chợt nhớ đến ông bạn Sonptc1, mình nhiều lần áp tải ông này vượt sông cái khi mới ở HN về. Một lần đến giữa sông thì ông ấy hết bin, cuống cuồng túm lấy tóc mình dìm xuống nước làm phao cứu sinh. Bình thường thì bơi vượt sông một mình cũng đã là gắng sức lắm rồi, nay lại có một ông to con hơn (hồi nhỏ ông này to con lắm) cứ túm tóc dìm xuống thì kể như tèo đời rồi. Nhưng dường như khi chiến đấu áp sát với cái chết thì sinh lực được nhân đôi thì phải, mình sau vài giây bất ngờ luống cuống uống mấy ngụm nước đã kịp thời bình tĩnh lại và cố hết sức tải cả 2 thằng tới chỗ đất nông an toàn bên kia sông. Suýt nữa thì sinh không cùng ngày nhưng được giỗ cùng ngày.

Nhưng nghĩ lại thì sông cái khu vực cầu Hải Bắc rất lành, lịch sử chưa ghi nhận một trường hợp chết đuối nào.

Mò cá nheo

Cá nheo hình dáng giống như cá trê nhưng không đen như cá trê, cá nheo có lưng màu xanh lục rất thẫm và bụng hơi trắng. Cá nheo đem kho tộ hoặc om đậu chuối xanh ăn đều tuyệt cú mèo cả.
Cá nheo (ảnh mạng)
Cá nheo thường sống ở những hốc đá dưới đáy sông, chỗ sâu nhất. Cũng giống như cá trê, cá nheo có 2 cái gai ở 2 vây là vũ khí tự vệ cực kỳ kinh khủng, bị nó đâm cho một phát là đau có thể phát sốt mấy ngày. Do vậy để bắt được cá nheo phải là người có "le vờ" tắm sông cực cao.

Trước tiên phải đủ hơi lặn khoảng 1 phút và chịu được áp suất cao ở tầng nước đáy sông. Sau khi xác định được hốc đá có thể có cá, khẽ đưa 2 ngón tay vào thật nhẹ nhàng, làm cho con cá tưởng "tình yêu đến em không hề biết trước". Tiếp theo cũng thật nhẹ nhàng 2 ngón tay xoa râu và đầu con cá, mấy giây sau con cá đờ ra, kiểu như: thôi anh bắt em luôn đi, chịu hết nổi rồi, hehe. Lúc này khẽ luồn 2 ngón trỏ và ngón giữa về 2 bên kẹp 2 cái gai của nó và ngón cái bóp chặt phía miệng, chỉ cần 3 ngón tay là có thể khóa chặt đầu khống chế được con cá nguy hiểm.

Nói chung mò được cá nheo sông là khẳng định được một đẳng cấp cực cao của tắm sông. Đi học mà nghe thấy tiếng xì xào phía sau: "thằng ấy nó mò được cá nheo đấy", thì mặt có thể khẽ vênh 23,5 độ được rồi.

Câu cáy

Hai bên bờ sông quê luôn chi chít các lỗ cáy, đây dường như là nguồn thực phẩm vô tận của người dân Hải Hậu xưa. Khi gần đến bữa chỉ cần xách cần câu đi một lát là về được một nồi canh ngon lành.

Trong các loại câu thì câu cáy dễ nhất, vì thế thường chỉ con gái mới câu, con trai mà đi câu cáy dễ bị ăn chửi hội đồng, rằng như một hành vi... xúc phạm các đấng nam nhi. hehe.

Đồ nghề câu cáy rất đơn giản, chỉ cần một chiếc cần câu dài, một sợi chỉ buộc ruột một con ốc làm mồi câu là có thể hành nghề được rồi, à còn thêm một cái ống bơ hoặc cái xô để đựng cáy nữa. Con cáy rất nhát nhưng lại tham ăn, bị người ta nhấc bổng lên mà vẫn không chịu buông mồi, thế cho nên chết vì ăn.

Câu cáy còn phải có thêm một kỹ năng khác với các loại câu khác là vồ cáy. Thường thì khi cáy cắn câu người câu chỉ việc nhấc lên và chộp lấy con cáy bỏ vào xô, tuy nhiên có những lúc nhấc lên giữa chừng thì cáy buông mồi ra và rơi xuống, thế là người câu phải lao theo để vồ, có khi ngã lăn lóc đổ cả xô cáy phóng sinh hết sản phẩm lao động của nguyên buổi câu.

Câu cá rói

Cá rói là loại cá phổ biến ở sông quê, nó có thân dài, mắt đỏ và thường bơi thành đàn mỗi khi nước lên.
Bờ sông Cái.
Mồi câu cá rói là cào cào, cần câu phải dài để có thể vươn ra được giữa sông. Cá rói ăn nổi, mồi câu luôn phải giữ cho nổi trên mặt nước nên câu cá rói không cần phao cũng không cần chì.

Sau khi móc con cào cào vào lưỡi câu, người câu tung mồi câu ra giữa sông và bắt đầu nhử (tiếng Hải Hậu gọi là rử) bằng cách rung cần câu cho mồi nhảy nhót trên mặt nước giống như con cào cào đang bị rơi xuống nước.

Có thể nói câu cá rói là môn câu vất vả nhất, mắt luôn phải tập trung cao độ vào mồi câu, không được để mồi câu chìm xuống nước hoặc bị nâng lên khỏi mặt nước. Bạn thử hình dung cầm một chiếc cần câu dài khoảng 3m rồi rung liên tục cho miếng mồi nhảy nhót trên mặt nước, chỉ khoảng vài phút là đã mỏi rã rời cả cánh tay. Vì thế nên đây là môn dành cho người lớn, trẻ con chỉ dám ngồi xem.

Câu tôm

Thú vị nhất trong các loại câu thì phải nói đến câu tôm, và đây cũng là thứ mang lại hiệu quả nhất.

Tôm là loài ăn chìm ở dưới đáy sông, do vậy mồi câu phải đưa xuống sát đáy sông bằng cách gắn một miếng chì nhỏ gần lưỡi câu. Mồi câu tôm là tép chao ở ao, cần câu tôm chỉ ngắn khoảng 0,5 - 1m. Mỗi một người đi câu tôm thường mang theo khoảng 10 cần để lần lượt thả và nhấc.

Nhấc cần khi tôm cắn câu là giây phút tuyệt vời nhất của người câu tôm. Tôm không quẫy mạnh như cá, nó chỉ giật giật khe khẽ với tần số và biên độ liên tục thay đổi tạo ra một cảm giác đê mê thật khó tả. Cái cảm giác đê mê xuất phát từ sợi dây cước qua các đầu ngón tay rồi lan tỏa đi khắp cơ thể, từ thành thị tới nông thôn, làm cho tim đập nhanh hơn và các động mạch nở rộng ra (sau này lớn lên được biết thêm những cảm giác đê mê khác, chứ hồi đó thì theo thuật ngữ chuyên ngành gọi là... lên đỉnh rồi). Một thống kê được công bố mới đây bởi tổ chức y tế thế giới (WHO) thì 99,9% những người bị mắc các chứng bệnh liên quan đến tim mạch là hồi nhỏ không được... câu tôm. Thế mới thấy, ai không được câu tôm quả là một thiếu sót nghiêm trọng trong cuộc đời trần thế...

Kỷ niệm về sông quê còn nhiều lắm và có lẽ luôn "chảy tràn trong trí nhớ" của tất cả những ai đã từng được sống những tháng năm tuổi thơ nơi quê nhà. Bất giác nghĩ đến lớp trẻ bây giờ, không biết sau này kỷ niệm tuổi thơ của chúng là những gì nhỉ? Chẳng lẽ sẽ toàn là sách vở, ba lô và học thêm?
http://12b1991.blogspot.com/

3 nhận xét:

  1. Rất hay ! dí dỏm, hài hước nhưng rất sinh động, sử dụng phương ngữ Hải Hậu kết hợp với văn phong hiện đại, tác giả cho chúng ta "một vé đi tuổi thơ".

    Trả lờiXóa
  2. EM xin kính chào các Anh,Chị cựu học sinh trường cấp 3B Hải Hậu. Em là cựu học sinh của trường cấp 3A Hải Hậu. Em thấy Anh Nhượng ghi họ tên tác giả của bài " Tản mạn sông quê" chưa chính xác, em xin được đính chính lại với tên họ đúng của Nam là : Đỗ Ngọc Nam
    Nếu có thời gian mời các Anh, Chị vào trang " xom4.vn" của quê em nhé. Trang này cũng do Nam là " Quản trị mạng " đấy các Anh, Chị ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Sorry Đỗ Ngọc Nam & các bạn! Do sơ xuất nên mình mới "Nhị sao thất bổn" cám ơn bạn Hoa12H đã nhắc nhở. Mình sẽ chỉnh sửa ngay.
    Rất vui vì bạn đã đến thăm. Hân hạnh được đón các bạn...

    Trả lờiXóa

--------------------------------------------------------------------
Chào bạn!
Cám ơn bạn đã dành thời gian quý báu ghé thăm Blog của hội cựu HS bọn mình!

Rất vui khi bạn để lại đôi dòng cảm nhận và đánh giá.
Chúc bạn luôn vui khỏe, hạnh phúc & thành đạt!

BLL hội cựu học sinh cấp 3b Hải Hậu
--------------------------------------------------------------------

* Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL. Với Tên/URL bạn chỉ cần viết tên mình trong ô [Tên:] và bỏ trống ô [URL:]
-> xong nhấn vào [Tiếp tục] -> nhấn [Đăng nhận xét] là OK.