Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

GẠO TÁM XOAN HẢI HẬU - NAM ĐỊNH

"Cơm Tám ăn với chả chim.  

Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no". 

Không biết trong dân gian có bao nhiêu câu ca dao tục ngữ nói về sự quý giá, cao sang của hạt gạo Tám xoan - loại gạo kén cả nồi thổi, lẫn thức ăn đi cùng. Chả thế, một thời gạo Tám xoan đã khiến cả dãy phố Hà Nội trở nên nổi tiếng. Khách sang, kén ăn dù ở đâu về cũng tìm đến phố cơm Tám giò chả Hàng Buồm để thưởng thức.


Theo các cụ "lão nông tri điền" ở Hải Hậu - nơi có gạo Tám xoan nổi tiếng cả nước, thứ gạo trắng trong, thơm ngon tinh khiết này là sự gắn kết tuyệt vời của thiên nhiên và con người. Cũng như nhãn Hưng Yên, cam Bố Hạ, chè Thái Nguyên,... đâu phải xã nào, huyện nào cũng trồng được. ở Hải Hậu, gạo Tám Xoan chỉ trồng được ở vùng đất "Cửu An, Nhất Phúc" (tên gọi của 9 thôn có chữ đầu là An và thôn Phúc Khải) của vùng ven sông Ninh và sông Kim Giang.

Gạo Tám Xoan có từ bao giờ?
Hải Hậu vốn là huyện có trình độ thâm canh và năng suất lúa cao trong cả nước. "Vật đổi, sao dời", nhưng gạo Tám thơm vùng quê Hải Hậu vẫn giữ được tiếng thơm đến tận bây giờ. Những năm tháng chiến tranh, cho dù năng suất thấp, kỹ thuật trồng cấy cầu kỳ, nhưng các xã có chân ruộng cấy gạo Tám vẫn không bỏ đi thứ đặc sản quý báu mà cha ông để lại. Nhờ vậy, ngày ấy mỗi khi có khách quốc tế đến Việt Nam, cơm Tám vẫn có mặt trong các bữa cơm mời bạn.
Cụ Hiếu ở xã Hải Giang - người cao tuổi nhất trong xã đã 70 năm sống bằng nghề nông - cho biết: "Trồng lúa Tám khó và công phu lắm. Nhưng công người bỏ ra bao nhiêu thì hạt gạo dâng tặng lại cho hương thơm bấy nhiêu. Chứ lúa Tám mà cứ trồng tràn lan và bón đầy phân hoá học thì khi thổi cơm chỉ có mà nhạt thếch".
Chẳng biết từ bao giờ, người trồng lúa Tám thơm ở Hải Hậu cứ cha truyền con nối, răm rắp làm theo công thức chọn đất tốt, cày ngâm, bừa ải, cấy sớm gặt muộn, khi gặt phải vào lúc lúa "chín tám" sau tiết hạn lộ, còn chăm bón thì phải phân chuồng, kèm phân xanh là lá xoan, lá tràm,... Đến những năm 1980, một vài nơi đã có máy xay xát hỗ trợ người nông dân, nhưng người làm lúa Tám Hải Hậu vẫn theo lối cổ truyền với những chiếc cối xay hoà nhịp cùng tiếng chày giã gạo thậm thịch thâu đêm. 

 
Tiếng lành đồn xa
Vào vụ gặt, nếu ai có dịp đi qua những cánh đồng của các xã Hải Toàn, Hải Phong, Hải An, Hải Giang,... những nơi có diện tích trồng lúa Tám dường như đều cảm thấy bầu không khí như được ướp hương thơm. Ra khỏi làng rồi mà vẫn tưởng như hương thơm lúa Tám phảng phất đâu đây. Vào nhà nào mà thấy ngoài những cót thóc tẻ lại có chum vại, phủ lá chuối khô đậy kỹ lưỡng thì biết là đựng thóc Tám. Những năm gần đây, với xu thế sản xuất hàng nông sản, ngoài các xã chuyên canh, một số địa phương khác trong huyện cũng chọn vùng đất tốt chuyển sang cấy lúa Tám. Chính vì thế sản lượng gạo Tám ở Hải Hậu có năm lên tới 10 nghìn tấn. Gạo xuất bán theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài, bán trên thị trường trong Nam ngoài Bắc, nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là Hà Nội.
Song mua được gạo Tám Hải Hậu chính hiệu không phải dễ. Có trường hợp bao bì chữ in là thế, nhưng chất lượng sản phẩm bên trong lại không như ý muốn vì là gạo lai tạp không rõ xuất xứ. Đó còn chưa nói đến chuyện, nhiều giống lúa mới có hạt gạo thơm dài được người bán vò thứ lá có mùi thơm na ná như gạo Tám để đánh lừa người tiêu dùng,... Vì thế, khi Viện khoa học - kỹ thuật nông nghiệp kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định xúc tiến xây dựng thương hiệu cho gạo Tám, người dân Hải Hậu rất vui mừng.

Theo Namdinh.gov.vn

TRÒNG TRÀNH


   Tác giả  Phạm Ngọc Phước - Thịnh  Long.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Gốc tre... cười

Hôm trước, tâm trạng không được vui, thời may có thằng em kêu đi café. Quán tuốt trong hẻm, trang trí bình thường, café bình thường chỉ có bức tường bên hông là coi được, ngự trên ấy là mấy cái gốc tre...cười . Rất mộc mạc, nhưng nhìn kỹ những nhát chạm khắc mạnh mẽ dứt khoát, đẹp phết





Ra về thấy lòng nhẹ bớt. Chắc tại mấy cái gốc tre cười .

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Con rươi và những điều bí ẩn

Ai cũng biết rươi là một đặc sản quý và hiếm, không phải vùng đất nào cũng có và không phải mùa nào cũng có, không phải cứ có tiền là mua được ngay. Bởi đơn giản, rươi là một sinh vật hiếm, với rất nhiều bí ẩn.
Những ai đã từng ăn rươi, từng thấy rươi (rươi sống) thậm chí như chúng tôi là những người dân địa phương từ khi sinh ra đã thấy rươi, đi vớt rươi hàng mấy chục năm nay, nhưng rươi vẫn là một ẩn số. Mỗi lần nhắc đến rươi là cả một câu chuyện dài, cả một cuộc tranh luận không lời kết, mỗi người, mỗi cách. Tất cả, chỉ dừng lại ở phỏng đoán, kinh nghiệm chứ chưa có bất cứ giải thích khoa học nào cả.
Rươi sinh sản và phát triển bí ẩn
Rươi chỉ có rải rác ở một số tỉnh địa phương đồng bằng vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợ như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Ở Hà Tĩnh, rươi chỉ có ở một ít vùng gần hạ lưu sông Lam: xã Xuân Hồng, Xuân Lam, huyện Nghi Xuân. Thậm chí trong cùng một cánh đồng, vùng có rươi, vùng không; thửa ruộng có rươi, thửa ruộng lại không có.

Có những cụ già ở các địa phương sống gần hết cả đời người, đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần rươi nổi, nhưng cũng không biết rươi sinh sản như thế nào, khi nào, sống ở đâu và ăn thức ăn gì. Cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào giải thích về loại sinh vật này. Chỉ biết vào những tháng mùa đông, rươi lại nổi lên mặt nước khoảng 1-2 giờ đồng hồ, rồi lại biến mất.

Rươi nổi và bơi trên mặt nước như con đỉa. Có khi nổi dày đặc, đỏ cả mặt nước.

Những người nông dân đã không biết bao nhiêu người, bao nhiêu lần xới đất sâu, tỉ mỉ ở những vùng đất có rươi nổi để tìm. Nhưng sau khi nổi và biến mất người ta không tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của rươi sót lại. Kể cả những thửa ruộng đắp bờ kín không cho nước chảy ra.

Nhiều người giải thích huyền bí cho rằng, nó sống ở tầng đất thứ 9, nhưng thân rươi lại vô cùng mềm và dễ vỡ. Chỉ cần chạm nhẹ vào thân nó, là nó có thể vỡ ra và chết. Nên rươi không thể chui nhanh xuống đất như vậy được.

Hàng năm, rươi lại càng ít dần đi. Nhưng theo kinh nghiệm của dân dịa phương, những thửa ruộng nào phun nhiều thuốc cỏ, thuốc trừ sâu thì năm sau ở thửa ruộng đó, rươi sẽ nổi ít hơn.
Rươi xuất hiện lạ lùng
Không ai biết nó sinh sản vào mùa nào, như thế nào, con nào là con đực, con nào là con cái hay là lưỡng tính. Nên cũng không ai biết khi rươi xuất hiện trên mặt nước là lúc bắt đầu hay kết thúc cuộc đời của nó. Chỉ biết rằng khi xuất hiện, nó nổi đồng loạt trên mặt nước, thấy đỏ cả mặt ruộng như ổ cá tràu con, khoảng 1-2 giờ, rồi tất cả “biến mất”. không ai biết chắc chắn nó nổi ngày nào, giờ nào.

Chỉ theo kinh nghiệm bao nhiêu năm của người dân địa phương chúng tôi, thì rươi chỉ xuất hiện vào 3 tháng là tháng 9,10,11 âm lịch hàng năm.

Rươi thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30; mồng 1, mồng 2: ngày 14, 15 rằm. Các ngày khác chỉ nổi rải rác, ít và khi có, khi không.

Những ngày cuối tháng, rươi lại thường nổi vào lúc 1-2 giờ sáng; những ngày giữa tháng, ngày rằm, rươi lại thường nổi đồng loạt lúc 19-20 giờ. Các ngày khác có khi lại nổi lúc 7-8 giờ sáng. Tuy nhiên, các ngày, giờ rươi nổi cũng rất thất thường, thay đổi, không cố định. Không ai biết mà giải thích.

Nhiều khi đến ngày rươi nổi, cả xóm, làng đều ra đồng, chờ để vớt, nhưng lại không thấy. Có khi bỗng nhiên thấy rươi nổi nhiều đỏ cả đồng, cả xóm, làng lại ùn ùn kéo nhau ra đồng vớt rươi.
Cách đánh bắt độc đáo
Rươi chỉ nổi ở những cánh đồng vùng  nước lợ, có con thuỷ triều lên xuống của các con sông chảy qua các con hói, lạch vào đồng.

Vào trong cánh đồng, nó cũng chỉ có ở những vùng biển, thửa ruộng gần con nước lên xuống. Những nhà có ruộng vùng này, họ đắp bờ ruộng cao lên quá mặt nước và tháo cho nước chảy qua một chỗ, đồng thời dùng lưới nhỏ hứng rươi. Ở những vùng đất chung thì mọi người cùng nhau dùng vợt để vớt.

Ở các khúc hói, lạch, mỗi khúc một lại có một “trộ” rươi, được người ta ngăn lại đón rươi theo vùng nước. Các “trộ” rươi này được người ta thầu khoán với hợp tác xã. Thường đây là những chỗ có được nhiều rươi nhất. Sau khi đưa rươi về, ngươi ta phải chăm giữ cẩn thận trước khi nhập bán.

Rươi thích nhiệt độ lạnh từ 1-8C . Người ta phải dùng đá lạnh mới tan ra để cho rươi vào, có như vậy rươi mới sống được một thời gian vài ngày trước khi được lái buôn đưa đi để bán sang Trung Quốc.
Người dân địa phương không ai dám ăn rươi
Lúc trước rươi nhiều và rẻ. Đến mùa rươi, cả làng thơm phức mùi chả rươi. Chúng tôi, có khi ăn chả rươi cả tuần liên tục, làm thức ăn chính hàng ngày.

Gần 7-8 năm nay, rươi ít dần, giá cao vọt, dù thèm, nhưng hầu như trong làng không ai dám bỏ ra hàng trăm ngàn bỏ ra để mua rươi ăn. Những nhà đánh bắt được cũng chỉ dành bán đi lấy tiền. Chỉ cần 10kg là họ cũng đã có gần 1,5 triệu, bằng thu nhập bình thường của cả gia đình trong một tháng.
Rươi là mặt hàng xa xỉ, siêu lợi nhuận
Trước đây, rươi nhiều, chưa có người buôn bán nơi khác đến nên rươi bán rẻ. Nhưng, trong khoảng 7-8 năm trở lại đây rươi càng ngày càng ít đi, trong khi đó có các lái buôn từ Thanh Hóa vào mua để bán sang Trung Quốc nên giá rươi tăng vọt  và trở thành mặt hàng "xa xỉ” với giá 130 ngàn/1kg, có khi lên tới 160 ngàn đồng.

Trung bình các ngày nhiều rươi mỗi nhà vớt được 10-20kg, những người ít thì 4-5kg. Nhiều nhất có một số  nhà, chỉ trong một đêm (hay đúng hơn là trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ) vớt được 100kg rươi và tính theo giá hiện nay tương đương thu lại 13-15 triệu đồng, ít nhất mỗi nhà cũng có 200-300 ngàn đồng mỗi đêm.

Những đêm rươi nổi nhiều cũng phải đến khoảng hơn 4 tạ rươi, đem lại cho người dân khoảng gần 60 triệu đồng/đêm. Tính qua 3 tháng mùa rươi, người dân ở đây thu về hơn 600 triệu đồng.

                                                                                               S.tầm Net

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Một số hình ảnh về Thịnh Long - Hải Hậu 6.2011

Mình mới về quê Thịnh Long, lang thang một mình
cầm máy bắn được vài hình ảnh xin chia sẻ cho vui !
Chùa Linh Ứng đang xây dựng Tháp cao 9 tầng

Đền Long Châu vẫn tĩnh lặng và linh thiêng

Đường đê sông Ninh Cơ nay là quốc lộ 21 rất đẹp


Sông Ninh Cơ hiền hòa và phẳng lặng


Cảng cá Ninh Cơ nay neo đậu rất nhiều tàu thuyền của các nơi

Nhà máy đóng tàu Thịnh Long I bên dòng Ninh Cơ thơ mộng
Khu dạy nghề của công ty Hoàng Anh
Vẫn còn những đồng lúa vàng rộng
lớn bên cạnh những nhà máy đồ sộ

Con sông Mới ngày nào là nước mặn bây giờ đã ngọt hóa

Cây đa Tùng Năm có lẽ hàng trăm tuổi, nó chứng kiến toàn bộ lịch sử
vùng đất Thịnh Long. Gốc của nó hàng chục người ôm không xuể.


Những cánh đồng muối ngày nào bây giờ trở
thành những ruộng lạc (đậu phộng) xanh tốt.

Đường xá được sửa sang sạch đẹp

Bên cạnh những cái hiện đại xen kẽ những vùng còn hoang sơ

Nhà phố khang trang




Dụng cụ đánh bắt cá thô sơ  (bè cá) vẫn tồn tại hàng trăm năm nay

Những chiếc tàu nhỏ đánh bắt cá gần bờ của ngư dân




Thả mình nơi biển đẹp


Tại Thịnh Long có rất nhiều nhà thờ họ: Nguyễn, Trần, Lê, Phạm... 

Đê biển được xây đắp hiện đại để chống chọi với những cơn bão dữ




Có một con đường không tên xanh mát ven biển

                                                                                Photo NHT
                                                                                (25/6/2011)



Chúc mừng anh Đông sắp thành ông ngoại !

             Nhân dịp anh Nguyễn Duy Đông ở Vũng Tàu tổ chức lễ vu quy cho con gái, Ban liên lạc và toàn thể anh chị em Hội cựu học sinh cấp 3BHH xin gửi tới anh và gia đình lời chúc mừng. Chúc anh và gia đình mạnh khỏe, vui vẻ và thành công rực rỡ!

Thay mặt Ban liên lạc: Nguyễn Huy Tập